Danh sách 10 Làng nghề truyền thống nổi tiếng lâu đời ở Huế

NHẮC ĐẾN HUẾ NGOÀI NHỮNG ĐỊA ĐIỂM CHECK IN, ĂN UỐNG, DU LỊCH… THÌ KHÔNG THỂ BỎ QUA ĐẾN NỀN VĂN HOÁ NƠI ĐÂY. ĐỂ TẠO CHO CÁC BẠN MỘT TRẢI NGHIỆM TRỌN VẸN NHẤT VỚI MẢNH ĐẤT THẦN KINH. HÔM NAY REVIEW HUẾ SẼ GIỚI THIỆU DANH SÁCH 10 LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG HUẾ NỔI TIẾNG LÂU ĐỜI.

1. Làng Sình

Nếu đất Bắc vang danh với tranh hàng Trống hay tranh Đông Hồ, thì miền Trung nắng gió nổi tiếng với tranh làng Sình xứ Huế. Tranh làng Sình chứa đựng nét đẹp văn hóa làng xã xa xưa. Nó tượng trưng cho nền văn hóa đặc sắc của cả xứ Huế mộng mơ, góp phần làm đa dạng phong phú văn hoá của dân tộc.

Làng Sình nằm cạnh phố cổ Bao Vinh bên bờ sông Hương thơ mộng. Tranh làng Sình không đơn thuần chỉ phục vụ nhu cầu tinh thần đơn giản mà nó còn tượng trưng cho tín ngưỡng. Thường được dùng trong các lễ thờ, cúng tế, giải hạn…

Theo như lời kể lại của các nghệ nhân, làng Sình đã tồn tại và phát triển hơn 400 năm. Trải qua thời gian dài như vậy, tuy cũng bị mai một ít nhiều nhưng các nghệ nhân ở đây luôn mong muốn gìn giữ và duy trì truyền thống của gia đình. Tranh làng Sình gồm 3 loại chính: tranh nhân vật, tranh đồ vật và tranh động vật.

  • Địa chỉ: Làng Lại Ân( làng Sình), Xã Phú Mậu, Huyện Phú Vang, TT Huế.
  • Thời gian ghé thăm: quanh năm

2. Làng nón lá

Nón lá không phải là thứ gì đó quá cao sang mà nó như là người bạn gắn bó với người Việt từ thuở xa xưa. Nón không chỉ là thứ che nắng, che mưa là còn là điểm tôn vinh vẻ đẹp người nông dân, lao động hay những người phụ nữ mang áo dài với chiếc nón lá.

Trên đất nước Việt Nam có rất nhiều nơi làm nón lá. Mỗi vùng miền đều có đặc trưng và cách sản xuất riêng. Chung quy lại, làng nón lá Huế vẫn là trung tâm của Việt Nam, được hình thành hàng trăm năm trước. Các làng nón Huế vang danh như: Kim Long, Dạ Lê, Phước Vĩnh, Sia… Tất cả đã tạo ra rất nhiều chiếc nón đi khắp Việt Nam.

  • Địa chỉ: Làng Tây Hồ, Xã Phú Đa, Huyện Phú Vang, TT Huế.
  • Thời gian ghé thăm: quanh năm.

3. Làng Đúc Đồng

Làng Đúc Đồng hay còn gọi là phường Đúc. Làng nằm cạnh dòng sông Hương phía bờ đối diện với Kim Long. Làng Đúc Đồng bắt nguồn từ những người thợ làm nghề đúc phục vụ cho chúa Nguyễn vào thế kỉ XVII. Chính những ông tổ nghề này đã tạo nên rất nhiều những tác phẩm tiêu biểu, đại diện cho vùng đất Phú Xuân.

Ngày nay khi đến Huế, vẫn còn rất nhiều tác phẩm vẫn còn lưu giữ đến bây giờ mà bạn có thể tận mắt chứng kiến. Những kiệt tác đúc đồng của Huế phải kể đến như: Vạc đồng ở Đại Nội, chuông chùa Thiên Mụ, Cửu Đỉnh ở Thế Miếu, Cửu Vị Thần Công ở trước cửa Ngọ Môn…

Đến nay, bề dày lịch sử của làng Đúc Đồng Huế cũng thấm thoát hơn 300 trăm. Là một làng nghề truyền thống Huế lâu đời nhất. Song vẫn còn đang phát triển bởi các thế hệ đời sau tiếp nối. Tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế lẫn giá trị văn hoá tại thời điểm hiện tại.

  • Địa chỉ: Phường Đúc, Tp Huế, TT Huế.
  • Thời gian ghé thăm: quanh năm.

4. Làng gốm Phước Tích

Làng gốm Phước Tích nằm bên bờ sông Ô Lâu, thuộc huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Vì xung quanh làng rất ít nguyên liệu làm gốm( đất sét, củi..) nên việc vận chuyển nguyên liệu và gốm hoàn thiện chủ yếu bằng con sông này. Gốm Phước Tích không chỉ dùng phục vụ cho nhu cầu đời thường của người dân mà còn phục vụ cho Vua Chúa, quan lại Triều Nguyễn.

Các sản phẩm gốm Phước Tích có lẽ khá thân thuộc của các lứa thế hệ trước nhưng lại khá lạ với lớp trẻ Huế hiện tại. Những cái tên thường được nhắc đến như: lu(chum), ghè, thạp, niêu(om), tu huýt(còi), ông Táo… Các sản phẩm gốm Phước Tích có mặt ở rất nhiều tỉnh thành, thậm chí xuất khẩu sang Nhật Bản và được nâng niu trong các buổi trà đạo.

  • Địa chỉ: Thôn Phước Phú, Xã Phong Hoà, Huyện Phong Điền, TT Huế.
  • Thời gian ghé thăm : Quanh năm

5. Làng nghề hoa giấy Thanh Tiên

Hàng hoa giấy Thanh Tiên nằm ở dọc theo bờ Nam, phía hạ lưu sông Hương. Hoa giấy hình thành từ những tín ngưỡng dân gian. Nó thường được bày trí những nơi quan trọng của người Huế để thờ phụng như: Trang Ông, Trang Bà, Ông Táo, Am miếu… Và nó đã trở thành một nét văn hoá của người xứ Huế.

Hoa giấy Thanh Tiên tận dụng những nguyên liệu sẵn có, dễ tìm ở địa phương. Từ những bàn tay tài hoa của nghệ nhân, đã tạo nên bông hoa giấy xinh đẹp, có hồn. Hoa giấy thường được làm giống các loài hoa thật như hoa sen, hoa súng, hoa cúc, hoa bìm bìm…

Làng nghề truyền thống Huế

Hằng năm, mỗi dịp tết đến xuân về, bạn sẽ thấy nhưng bông hoa giấy Thanh Tiên được bày bán khắp các làng quê và phố thị. Tô điểm thêm mùa Xuân xứ Huế thêm tươi tắn và rực rỡ.

  • Địa chỉ: Xã Phú Mậu, Huyện Phú Vang, TT Huế.
  • Thời gian ghé thăm: quanh năm.

6. Làng Hương Thuỷ Xuân

Cách trung tâm Tp Huế khoảng 7km, làng hương Thuỷ Xuân là một ngôi làng ẩn mình bên đồi Vọng Cảnh cùng dòng sông hương thơ mộng. Lúc đầu làng này chủ yếu bán hương phục vụ cho nhu cầu của người Huế. Từ những bó hương 2 màu được đem phơi bên vệ đường. Sau dần vì nằm trên con đường chính dẫn lên các đồi, lăng ở Huế. Các nghệ nhân làm Hương ở đây đã sáng tạo thêm nhiều màu sắc cho chiếc chông hương.

Những chiếc chông hương đầy màu sắc này đã thú hút rất nhiều khách du lịch lẫn người địa phương. Nó lung linh, rực rỡ dưới ánh nắng. Làm cho con đường Huyền Trân Công Chúa thêm phần cuốn hút và lãng mạn hơn. Làng hương Thuỷ Xuân trở thành địa điểm độc đáo chỉ có ở xứ Huế.

  • Địa chỉ: Đường Huyền Trân Công Chúa, Phường Thuỷ Xuân, Tp Huế.
  • Thời gian tham quan: quanh năm.

7. Làng đan lát Bao La

Làng đan lát Bao La làm ở khúc giữa sông Bồ, thuộc xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền. Làng nghề truyền thống Huế này đã hình thành từ xa xưa. Các sản phẩm tạo ra cũng rất gần gũi như rổ, rá, sàng, nong, nôi… và nguyên liệu chủ yếu là từ tre và nứa.

Làng nghề truyền thống Huế

Lúc đầu làng chỉ sản xuất chủ yếu dành cho việc mua bán, nhu cầu thì trường. Nhưng với sự gắn bó và đột phá của các nghệ nhân đan lát đã làm cho ngôi làng này trở nên đặc biệt hơn. Các sản phẩm tạo ra không chỉ mang tính thưc dụng mà còn mang tính nghệ thuật nữa. Các sản phẩm được làm khéo léo, tỉ mỉ đến từng đường nét có thể lôi cuốn bạn ngay từ cái nhìn đầu tiên. Các bạn có thể đến làng để xem và trải nghiệm.

  • Địa chỉ: Xã Quảng Phú, Huyện Quảng Điền, TT Huế.
  • Thời gian ghé thăm: quanh năm

8. Làng kim hoàn Kế Môn

Cách thành phố Huế khoảng 40km, ngôi làng nằm ở xã Điền Môn, huyện Phong Điền. Làng thành lập vào khoảng thời gian cuối thế kỉ XVIII từ những người thợ từ phương Bắc đến định cư tại đây và truyền nghề. Những sản phẩm trang sức được làm ra được rất nhiều người ưa chuộng từ Hoàng Cung cho đến các thương gia. Nơi đây là một trong những làng nghề truyền thống Huế có tiềm năng lớn nhất.

Quá trình làm một sản phẩm rất tinh xảo và cầu kỳ; thể hiện được sự khéo tay và sáng tạo của các nghệ nhân. Làng kim hoàn Kế Môn tạo ra chủ yếu là đồ trang sức thủ công như: vòng, nhẫn, dây chuyền, khuyên tai, vòng lắc… Qua thời gian, làng nghề này còn phát triển, tiếp tục tạo ra các sản phẩm có giá trị đáp ứng nhu cầu của thị trường.

  • Địa chỉ: Làng Kế Môn, Xã Điền Môn, Huyện Phong Điền, TT Huế.
  • Thời gian ghé thăm: quanh năm.

9. Làng nghề điêu khắc gỗ Mỹ Xuyên

Nhắc đến quần thể kiến trúc của Huế không thể không nhắc đến công lao của các vị tiền bối nơi này. Làng nghề điêu khắc gỗ Mỹ Xuyên là nơi tập hợp nhiều thợ chạm tài hoa từ thời chúa Nguyễn. Những tác phẩm điêu khắc gỗ đến mức “rồng bay phượng múa”. Có thể nhìn thấy ở đất cố đô ngày nay, đâu cũng có bàn tay của các nghệ nhân làng Mỹ Xuyên.

Làng nghề truyền thống Huế

Họ biến những khúc gỗ có hình thù xấu xí, thô cộc trở thành những bức điêu khắc, pho tượng chứa đựng một nét đẹp tiềm ẩn, quý giá. Từ những thứ vô tri vô giác, các nghệ nhân đã biến hoá chúng thành những vị anh hùng của đất Việt như Thánh Gióng, Vua Nguyễn Huệ. Nói đến những thứ đơn giản, đời thường gắn bó với người xứ Huế hơn có lẽ là ngôi nhà Rường hầu hết đều từ bàn tay của người thợ Mỹ Xuyên.

  • Địa chỉ: Xã Phong Hoà, Huyện Phong Điền, TT Huế
  • Thời gian ghé thăm: quanh năm.

10. Liễn Làng Chuồn

Ngôi làng đặc biệt này nổi tiếng ở thời đó với nhiều người học rộng, đỗ đạt cao. Từ nhu cầu tinh thần của con người, nghề làm liễn ra đời. Viết chữ đẹp, cảm nhận nét đẹp của cái chữ trong liễn và thường được treo vào những ngày tết với mong muốn may mắn, phúc lộc. Nó trở thành một nghề được ưa chuộng lúc bấy giờ và rất được quý trọng.

Làng nghề truyền thống Huế

Đến nay, tuy liễn không được ưa chuộng như trước nhưng sự hiện diện của liễn làng Chuồn vẫn rất rõ nét. Khi đi thăm tết nhà họ hàng, người thân vẫn thấy đâu đó vài tấm liễn treo ở trong nhà. Liễn làm từ những loại giấy đặc biệt cùng với cách in độc đáo riêng. Treo liễn ở phòng khách để ngắm ngía như là một lối chơi, một cách thưởng thức thẩm mĩ. Vì vậy bức liễn vẫn mang một giá trị tinh thần rất lớn đối với văn hoá của dân tộc.

  • Địa chỉ: Thôn An Truyền, xã Phú An, huyện Phú Vang, TT Huế.
  • Thời gian ghé thăm: Từ tháng 10 đến giáp Tết.

NGOÀI RA VẪN CÒN RẤT NHIỀU LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG Ở HUẾ MÀ CÁC BẠN CÓ THỂ TÌM HIỂU THÊM. VÀ REVIEW HUẾ ĐÃ GIỚI THIỆU ĐẾN BẠN 10 LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG HUẾ NỔI TIẾNG VÀ LÂU ĐỜI RỒI NHÉ. CHÚC CÁC BẠN CÓ THÊM MỘT PHẦN KIẾN THỨC BỔ ÍCH VÀ THÚ VỊ !


Bài viết được tổng hợp biên soạn bởi ReviewHue.vn | Vui lòng không copy & Reup.

Hình ảnh được tổng hợp bởi Review Huế

Theo dõi: https://www.youtube.com/c/ReviewHuế75

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *